Bé tập cảm nhận văn học

SỰ CẦN THIẾT HÌNH THÀNH CẢM QUAN VĂN HỌC CHO TRẺ

Ngay từ khi còn nằm trên nôi, chiếc võng đung đưa, trẻ đã được bà, mẹ hát cho nghe những câu ca, điệu hát, lời ru đưa các em vào trong giấc ngủ. Từ đó, dần hình thành ở các em sự cảm nhận về một thế giới âm nhạc qua các làn điệu dân ca ngọt ngào. Khi đã phát âm tương đối chuẩn tiếng mẹ đẻ khoảng 4- 5 tuổi, các em đã có thể bập bẹ hát đi hát lại các câu hát, lời ru và khi cắp sách đến trường, được nghe kể chuyện, được đọc những câu thơ, bài văn trong SGK TV, các em được trau dồi từng bước để hình thành cảm quan văn học. Tuy vậy, đa số các em đều chưa cảm nhận được thế nào là cảm quan văn học, chưa biết rõ những yêu cầu cơ bản về cảm thụ văn học. Vì thế việc bồi dưỡng cảm quan văn học và bước đầu hình thành, rèn luyện cảm thụ văn học cho các em là rất quan trọng. Từ đây, có thể giúp các em yêu thích môn TV, cũng như văn học vì nó đem đến cho các em bao vẻ đẹp, niềm vui hứng thú trong cuộc sống. Ngoài những yếu tố trên, để hình thành cảm quan văn học cho HS điều quan trọng là tạo cho các em phát huy tối đa khả năng nhn thc của mình về cái hay, cái đẹp qua tác phẩm văn học. Từ một bài thơ, bài văn, thậm chí một câu thơ các em phải biết vận dụng các giác quan như thính giác, thị giác, tri giác và cả xúc giác (xúc giác ở đây không phải là sờ nắm được văn học mà sau khi nghe và cảm nhận được cái hồn của bài văn, bài thơ các em có một cảm xúc dâng trào). Muốn tạo cho HS có được điều này thì trong quá trình giảng dạy tác phẩm văn, thơ cho HS, người thầy phải phát huy khả năng tưởng tượng và óc sáng tạo cho HS qua tranh ảnh minh họa trong SGK. Bên cạnh đó phải liên hệ một số hình ảnh thực tế trong cuộc sống hoặc giúp các em cảm nhận cuộc sống qua các hình thức sinh hoạt ngoại khóa, tìm hiểu cảnh đẹp của thiên nhiên trước khi học các tác phẩm trên. Đây là một việc làm hết sức quan trọng để tổ chức và định hướng bồi dưỡng cảm quan văn học cho tuổi thơ.