Viêm phổi, viêm cuống phổi ở trẻ

Viêm phế quản- sưng cuống phổi là thể nhẹ hơn. Trẻ ho, nóng ít, không khó thở. Tuy nhiên, trường hợp viêm cuống phổi nhỏ cấp tính, bệnh tình rất trầm trọng. Đang đêm, trẻ lên cơn mệt khó thở như suyễn, khò khè, tím tái, lõm trên và dưới xương ức. Bệnh phải được chữa tại bệnh viện. Nói chung, bệnh phổi thường rất nặng ở trẻ suy dinh dưỡng.

Ho không phải là bệnh.

Ho chỉ là một triệu chứng: trẻ có thể ho vì sưng phổi, nhưng cũng có thể ho vì… lãi. Nhiều bà mẹ nóng lòng muốn dập tắt ngay cơn ho của trẻ, đã dùng các loại thuốc ho “mạnh”, có chứa chất á phiện, gây ngộ độc rất nguy hiểm.

Ngay cả trong trường hợp bị sưng cuống phổi hay sưng phổi, người ta cũng để ho tự nhiên, chỉ cần chữa đúng căn bệnh chứ không cần chữa ho là một triệu chứng rất cần thiết để tống đàm nhớt ra ngoài, làm bớt nặng nề buồng phổi, làm dễ thở.

Trái lại, tím tái ở môi, ở đầu ngón tay, ngón chân và khó thở (thở nhanh, dồn dập trên 60 lần/phút), có tiếng khò khè, cò cử, và có co kéo cơ hô hấp ở cổ, ở xương sườn thì luôn luôn là những trường hợp nặng, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu ngay.

Trong mọi trường hợp, khó thở luôn luôn là dấu hiệu báo động, phải được khẩn cấp đưa đến một cơ sở y tế gần nhất. Nên khám bệnh ngay khi có các triệu chứng nóng, ho kèm khó thở. Phải chữa bệnh phổi đến nơi, đến chốn, đừng để bệnh kéo dài, tái đi tái lại, làm trẻ mất sức. Trong thời gian điều trị, chú trọng vấn đề dinh dưỡng, đừng để trẻ bị thêm suy dinh dưỡng, bệnh càng nặng, khó chữa hơn. Đề phòng những cơn lạnh đột ngột. Giữ ấm cho trẻ.