Khái quát về hiện tượng nôn trớ ở trẻ

Nôn trớ là biểu hiện rất thông thường ở đa số trẻ nhỏ nhưng vẫn có một số trường hợp ngoại lệ, nôn trớ xuất phát từ việc bé mắc phải một bệnh lý nào đó. Để hiểu hơn về hiện tượng này ở trẻ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

1. Nôn trớ là gì và nguyên nhân gây nôn trớ

Nôn trớ là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản rồi trào ra miệng. Nôn trớ có thể tự khỏi khi trẻ lớn hơn. Nhưng một số trường hợp, nôn trớ là biểu hiện của những bệnh lý tiêu hóa  như trào ngược dạ dày thực quản hoặc là triệu chứng của bệnh lý đường hô hấp hay là bệnh lý toàn thân, v.v… Khi trẻ nôn trớ, ba mẹ nên xem trẻ có những biểu hiện nào kèm theo không, ví dụ như sốt hay tiêu lỏng, ho, hay sổ mũi, phát ban v.v… nếu có thì phải ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra và xử lý kịp thời.

Nguyên nhân gây nôn trớ đơn thuần thường liên quan đến ăn uống hoặc do trẻ bị ép ăn quá nhiều, bú quá no, nằm liền sau khi bú, hoặc không dung nạp thức ăn  hoặc bắt đầu ăn bổ sung với thức ăn mới lạ, hoặc ăn nhiều quá 1 loại thức ăn nào đó. Nôn thường xuất hiện sớm, số lượng chất nôn ít, chủ yếu là thức ăn. Trẻ vẫn chơi bình thường, không ảnh hưởng đến tình trạng cơ thể. Do vậy, mẹ chỉ cần điều chỉnh cách cho con con là có thể hạn chế được tình trạng nôn trớ ở trẻ.

2. Cách khắc phục nôn trớ ở trẻ

– Không ép con ăn hoặc bú quá nhiều làm cho trẻ ngán khi nhìn thấy thức ăn.

– Khi thay đổi thức ăn, cho trẻ ăn 1 loại thức ăn mới nên cho từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc, chia  làm nhiều bữa nhỏ trong ngày .

– Ở những trẻ bú mẹ thì sau khi bú xong nên bế trẻ đứng lên khoảng 10-15 phút rồi mới đặt trẻ nằm, dùng tay vỗ nhẹ lưng con cho đến khi ợ hơi.

–  Khi cho trẻ bú  bình lưu ý  sao cho sữa ngập núm vú  bình để tránh nuốt không khí vào dạ dày.

– Ngoài ra có thể sử dụng thuốc chống nôn theo chỉ định của bác sĩ.

Đối với những trường hợp nôn do bệnh tật: hay gặp trong các bệnh nhiễm khuẩn tiêu chảy, viêm mũi họng, viêm phổi, viêm màng não… một số bệnh ngoại khoa như lồng ruột, tắc ruột, viêm ruột non hoại tử… hoặc trẻ nôn đột ngột và kèm theo các triệu chứng đặc hiệu của từng bệnh. Cần đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế để xử trí kịp thời.

Lưu ý: khi con đang nằm mà bỗng nôn trớ thì phải ngay lập tức đỡ con ngồi dậy, vì nôn trớ trong lúc nằm có thể dẫn đến tình trạng dịch nôn đi vào phổi gây tắt nghẽn và khó thở cho trẻ, rất nguy hiểm. Sau khi nôn xong, ba mẹ nên làm sạch khoan miệng cho trẻ và cho con uống nhiều nước vì trong quá trình nôn trớ, con có thể bị mất 1 lượng nước trong cơ thể nên cần được bù đắp lại.

Mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bố mẹ có thêm chút kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ bị nôn trớ.