Các hoạt động vui chơi của trẻ qua từng giai đoạn (phần 2)
Như đã đề cập ở phần trước, ba mẹ cần quan sát và hiểu được tâm lý trẻ ở từng độ tuổi để có cách vui chơi lành mạnh với con. Bài viết này sẽ cập nhật thêm thông tin cho các bậc phụ huynh có con nhỏ từ 6 tháng tuổi trở lên.
1. Từ 6 đến 9 tháng tuổi
Con bạn lúc này đã có thể thức khoảng 2 tiếng, kể cả thời gian ăn. Con có thể chơi một mình khoảng 30 phút hoặc hơn thế, nhưng phải nhớ thay đổi tư thế của con. Ví dụ, từ đặt ngồi ở ghế dành cho trẻ sơ sinh, sang đặt nằm ngửa dưới đồ chơi chuyển động trong cũi. Khi con có thể ngồi được, hãy đặt con vào ghế tập đứng. Lúc này bạn hãy bước vào thế giới của trẻ bằng những quyển sách, truyện tranh ảnh.
Đây là độ tuổi mà lần đầu tiên trẻ nhìn thấy sự gắn kết giữa hành vi của bản thân với một chuỗi các sự kiện, và cũng là thời điểm mà những thói quen xấu có thể dễ dàng được củng cố. Ví dụ như khi trẻ khóc, bạn đừng vội bế trẻ lên vì làm vậy rất dễ tạo thói quen dựa dẫm cho bé. Và đôi khi con khóc không phải là vì quá mệt thì là vì có quá nhiều thứ ở xung quanh – máy hút bụi, anh chị, ti-vi, và cả đồ chơi của chính con nữa.
Nếu con mệt, hãy đặt con xuống cho con ngủ. Nếu nguyên nhân là vì có quá nhiều thứ hỗn loạn, hãy đưa con sang một phòng khác. Nếu con không có phòng riêng, hãy dành một chỗ an toàn ở phòng khách hoặc phòng ngủ của bạn để con có thể thư giãn khi bị kích thích thái quá. Một cách khác để con bình tĩnh lại là cho con ra ngoài để hít thở không khí trong lành.
Giai đoạn này, đời sống xã hội của trẻ nên được bắt đầu. Đương nhiên ở giai đoạn này các con chưa biết cách chơi với nhau. Trẻ rất thích quan sát “đồng bọn”, bạn đồng lứa, nên việc cho các con chơi bên nhau có lợi cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, ở tuổi này, mẹ đừng quá kỳ vọng con biết cách chơi chung, chia sẻ hay quảng giao, những điều này sẽ đến sau khi con lớn hơn.
2. Từ 9 đến 12 tháng
Trẻ lúc này đã rất độc lập, có thể chơi một mình ngoan ngoãn trong ít nhất 45 phút, và con có thể thực hiện được nhiều nhiệm vụ phức tạp hơn. Khả năng học hỏi của con đã tiến bộ vượt bậc. Càng chơi độc lập bao nhiêu, con bạn càng dễ tự chủ hơn và tin tưởng rằng bạn luôn ở bên cạnh, và nếu không nhìn thấy mẹ, thì ít nhất con cũng biết mẹ sẽ quay trở lại. Ở tuổi này, trẻ chưa có khái niệm về thời gian, nên khi đã cảm thấy an tâm thì dù bạn có đi 5 phút hay 5 tiếng cũng như nhau.
Mẹ không nên luôn luôn ở trước mặt con vì con sẽ không có khả năng cảm nhận và thực hành sự độc lập và cảm giác làm một việc gì đó một mình. Cha mẹ nên cho con đi đến các buổi hẹn chơi chung, để có cơ hội được thấy mình bên ngoài phạm vi của gia đình. Hãy cho con tham gia vào một nhóm chơi nhỏ.
Cũng cần phải nhớ rằng chơi đùa là một việc nghiêm túc đối với trẻ. Tình cảm lành mạnh là hạt mầm để nuôi dưỡng khả năng học hỏi. Chúng được gieo trồng từ lúc sơ sinh và khi bạn tăng dần thời gian chơi tự lập của con, có nghĩa là bạn đang mài giũa các kỹ năng cảm xúc của con – khả năng tự chơi đùa, khám phá mà không sợ hãi thử nghiệm.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm tại đây các cách phương pháp khác hỗ trợ quá trình phát triển trí não và thể chất cho trẻ nhỏ.