Bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Chứng trào ngược dạ dày không chỉ xảy ra ở người lớn mà đôi khi còn là bệnh là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ có những biểu hiện khá giống với những bệnh khác nên ba mẹ rất khó nhận biết.

Bài viết này sẽ giúp các ông bố bà mẹ hiểu thêm và căn bệnh này và có cách phòng tránh thích hợp. Hãy cùng tìm hiểu nhé!

1. Dấu hiệu nhận biết bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ

Biểu hiện thường thấy nhất của bệnh này ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là nôn trớ, nhất là khi trẻ ăn hay bú quá no. Nếu bé nôn trớ ít thì đây chỉ là một hiện tượng sinh lý thường gặp không đáng ngại ở lứa tuổi này. Tuy nhiên, khi nôn trớ diễn ra thường xuyên ngay cả lúc không quá no hay nôn trớ ngay khi thay đổi tư thế đột ngột thì bố mẹ cần nghĩ ngay đến bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Ba mẹ cần lưu ý để phân biệt rõ trẻ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản do sinh lý hay bệnh lý.

Ngoài ra, khi trẻ có những dấu hiệu sau đây, mẹ phải cân nhắc đến chứng trào ngược dạ dày ở trẻ:

– Con thường xuyên ho, đặc biệt là sau khi uống hoặc bú sữa.

– Trẻ có biểu hiện quấy khóc rất nhiều.

– Trẻ bị nôn trớ nhiều, đặc biệt là sau khi bú.

– Con có biểu hiện bú kém hoặc không chịu bú.

– Bé bị sụt cân. Thậm chí là chậm tăng cân.

– Bé thở khò khè và gặp vấn đề về hô hấp.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản. Nhưng trẻ mắc phải chứng trào ngược dạ dày thực quản thường bắt nguồn từ 2 nguyên nhân: bệnh lý và sinh lý. Cha mẹ cần phải hiểu rõ dấu hiệu của từng loại để có thể có biện pháp điều trị đúng cho con.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản khiến trẻ sợ bú, biếng ăn

– Nguyên nhân bệnh lý: Thường gặp ở trẻ dưới 1 tuổi với các dấu hiệu như nôn trớ nhiều lần trong ngày. Nguyên nhân của bệnh là trẻ mắc dị tật bẩm sinh như thoát vị cơ hoành, sa dạ dày làm cho cơ thắt thực quản dưới của trẻ yếu và đẩy thức ăn trào lên thực quản.

– Nguyên nhân sinh lý: Thường gặp với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Biểu hiện duy nhất là nôn trớ sau khi bú hay do trẻ ăn quá no hoặc cơ thể phản ứng với một loại thực phẩm nào đó. Trẻ mắc chứng trào ngược dạ dày sinh lý vẫn khỏe mạnh và phát triển thể chất bình thường.

3. Ba mẹ cần làm gì khi trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản?

Đối với những trẻ đang bú mẹ thì có thể tiếp tục cho con bú. Nếu như con đã ăn dặm, mẹ có thể chuyển sang chế độ dinh dưỡng dạng đặc hơn.

Nếu con bú sữa ngoài, mẹ có thể làm cho sữa đặc hơn bằng cách thêm một muỗng bột gạo vào 60-120ml sữa. Tuy nhiên phương pháp làm đặc thức ăn không nên áp dụng cho trẻ sinh non dưới 37 tuần. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại sữa bột thủy phân hoặc sữa tăng độ quánh đã chế biến sẵn, cha mẹ có thể tham khảo để mua cho trẻ. Không cho trẻ ăn thức ăn chứa nhiều chất béo. Nếu trẻ nôn nhiều, hãy cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ để có thể cung cấp đủ dinh dưỡng cho con.

Khi phát hiện con bị trào ngược dạ dày thực quản ba mẹ nên nhanh chóng tìm ra cách xử lý chứ đừng để kéo dài sẽ gây ra hậu quả lâu dài cho trẻ, vì các biến chứng có thể thấy ngay ở cơ quan gần nhất phải gánh chịu là thực quản. Thực quản sẽ bị viêm với nhiều mức độ khác nhau gây ảnh hưởng đến việc ăn uống của bé, lâu dài sẽ dẫn đến tiền ung thư thực quản. Bị trào ngược lâu dài cũng ảnh hưởng đến hệ hô hấp, bé sẽ dễ bị ho, khò khè kéo dài. Ngoài ra, trẻ bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể bị mòn răng, viêm tai, viêm xoang, sụt cân, suy dinh dưỡng, nuôi chậm lớn, chậm tăng cân.

Thông thường, mẹ vẫn duy trì các cữ cho bú hoặc uống sữa trong ngày nếu các bé nhìn chung vẫn khỏe mạnh và tăng trưởng bình thường. Để giảm nôn trớ do chứng trào ngược dạ dày, mẹ nên áp dụng một số lưu ý sau:

– Cho bé ợ hơi khi bú hết 1 bên ngực hoặc khoảng 50ml sữa.

– Cho thêm 1 thìa cà phê bột gạo sữa vào bình sữa công thức.

– Nếu cần thiết, bạn nên chọn loại núm vú khác, nên là loại có lỗ hình chữ thập.

– Ôm bé thẳng đứng 20-30 phút sau khi bú, đồng thời vỗ lưng cho bé ợ hơi.

– Kê cao đầu bé khi ngủ ở 1 góc 30 độ.

– Khi bé bắt đầu ăn dặm, thức ăn đặc sẽ giúp bé ít bị trào ngược hơn.

– Có thể đến bác sĩ tư vấn để được kê cho bé các loại thuốc hỗ trợ nhu động ruột và trung hòa axít dạ dày.

4. Các chuẩn đoán để kiểm tra chứng trào ngược dạ dày ở trẻ

Những bé bị trào ngược dạ dày thực quản thường được bác sĩ chẩn đoán dựa vào các triệu chứng kể trên và thăm khám cơ thể. Bé cũng có thể sẽ trải qua một số xét nghiệm bao gồm:

– Đo mức pH của dịch dạ dày vào thực quản của bé.

– Chụp X-quang thực quản của bé.

– Chụp X-quang phần trên của hệ thống tiêu hóa của bé.

Mong rằng với những chia sẻ trên mẹ sẽ có thêm kinh nghiệm trong việc chăm sóc con mình, nhất là với những bé bị chứng trào ngược dạ dày. Ngoài ra, ba mẹ có thể tham khảo thêm tại đây những cách chống nôn trớ sinh lý thông thường cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ