Cách phòng tránh và xử trí ban đầu khi tai nạn

Nguyên tắc chung – Cô giáo phối hợp với nhà trường và phụ huynh tạo cho trẻ một môi trường an toàn về sức khoẻ, tâm lí và thân thể. – Trẻ lứa tuổi mầm non phải luôn luôn được sự chăm sóc, trông coi của người có trách nhiệm. Cô giáo phải thường xuyên theo dõi, bao quát trẻ mọi lúc mọi nơi. – Giáo viên phải được tập huấn kiến thức và kĩ năng về phòng và xử trí ban đầu một số tai nạn thường gặp. Hằng năm, nhà trường cần phối hợp với y tế địa phương tập huấn, nhắc lại cho giáo viên về nội dung này. – Khi trẻ bị tai nạn, phải bình tĩnh xử trí sơ cứu ban đầu tại chỗ, đồng thời báo cho cha mẹ và y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời cho trẻ. – Giáo dục về an toàn cho trẻ : Những đồ vật gây nguy hiểm, những hành động gây nguy hiểm và những nơi nguy hiểm trẻ không được đến gần.

Giáo viên cần nhắc nhở và tuyên truyền cho phụ huynh : Thực hiên các biện pháp an toàn cho trẻ đề phòng những tai nạn có thể xảy ra tại gia đình, khi cho trẻ đến trường hoặc đón trẻ từ trường về nhà.

Phòng tránh trẻ thất lạc và tai nạn a) Đề phòng trẻ bị lạc Cô nhận trẻ trực tiếp từ tay cha mẹ trẻ. – Đếm và kiểm tra trẻ nhiều lần trong ngày, chú ý những lúc đưa trẻ ra ngoài lớp trong các hoạt động ngoài trời hoặc tham quan. Bàn giao số trẻ khi giao ca. – Cửa phòng trẻ phải có rào chắn (nếu cần). – Cô phải ở lại lớp cho tới khi trả hết trẻ. – Chỉ trả trẻ cho cha mẹ trẻ, cho người lớn được ủy quyền, không trả trẻ cho người lạ.

Đề phòng dị vật đường thở – Không cho trẻ cầm các đồ chơi quá nhỏ có thể cho vào miệng, mũi. – Khi cho trẻ ăn các quả có hạt cần bóc bỏ hạt trước khi cho trẻ ăn. – Giáo giục trẻ lớn khi ăn không được vừa ăn vừa đùa nghịch hoặc nói chuyện. – Không ép trẻ ăn, uống khi trẻ đang khóc. Thận trọng khi cho trẻ uống thuốc, đặc biệt là các thuốc dạng viên. – Giáo viên và người chăm sóc trẻ cần nắm vững cách phòng tránh dị vật đường thở cho trẻ và một số kĩ năng đơn giản giúp trẻ loại dị vật đường thở ra ngoài. Khi xảy ra trẻ bị dị vật đường thở, giáo viên cần bình tĩnh sơ cứu cho trẻ; đồng thời báo cho gia đình và đưa tới y tế nơi gần nhất để cấp cứu cho trẻ.