Cho trẻ học văn

Cho trẻ học văn

Khi kết thúc 5 năm học trong nhà trường tiểu học hiện đại. Trẻ em sẽ có những cơ sở ban đầu cho việc phát triển nhân cách cả về tình cảm trí tuệ và thể chất: có những tri thức và khả năng cơ bản để học tập hoặc đi vào cuộc sống và thích ứng với cuộc sống; biết sử dụng tiếng mẹ đẻ khi đọc, viết, nghe, nói phục vụ mục tiêu giao tiếp và thu nhận kiến thức thông tin được giáo dục bước đầu về văn chương nghệ thuật để có nhận thức thẩm mỹ và trí tưởng tượng, nhận thức xã hội đúng đắn, có tình cảm, thái độ, hành vi của con người Việt Nam hiện đại, có khả năng hoà nhập và phát triển trong cộng đồng.

Qua những căn cứ đã trình bày thì mục tiêu cụ thể của việc bồi dưỡng cảm quan văn học cho HS ở bậc tiểu học cần được xác định cụ thể như sau:

Đây là lứa tuổi lần đầu tiên tiếp xúc với văn học, rung cảm trước cái đẹp của văn học, trên cơ sở đó hình thành một số điểm chính trong trí tưởng của các em (đẹp, gợi cảm, gợi hình, đa nghĩa). Qua đó các em có thể vận dụng việc tiếp nhận những tác phẩm văn học phù hợp với lứa tuổi và quan trọng là hình thành ngôn ngữ nói.

Bước đầu các em có thể tiếp xúc với hình tượng văn học, rung động trước những buồn vui, yêu ghét của con người. Từ đó, hình thành và phát triển những nhận thức tình cảm và thái độ hành động đúng trong cuộc sống.

Qua văn học các em biết phân biệt đẹp/xấu, thiện/ác, đúng/sai, biết yêu quê hương, đất nước, trường lớp, thầy cô, bạn bè, biết tôn trọng pháp luật, bảo vệ của công, bảo vệ môi trường, sống có niềm tin, năng động, trung thực, dũng cảm, có ý thức và nhu cầu nhận thức đối với bản thân.

Góp phần giúp các em nắm được một số ý niệm ban đầu về các tác phẩm, tác giả, nhân vật, thể loại (tục ngữ câu đố, đồng dao, ca dao, thơ, truyện, kịch), có một số kĩ năng cơ bản về kể chuyện, tóm tắt câu chuyện, tìm đại ý, bố cục. Nhận xét về các nhân vật, tác giả, tác phẩm, nêu những cảm nghĩ, liên tưởng, tưởng tượng, phát hiện những chi tiết nghệ thuật thú vị để vận dụng trong học tập cũng như thưởng thức các loại hình nghệ thuật khác.

Từ những mục tiêu trên đây có thể thấy văn học là môn học thích hợp và có vị trí hết sức quan trọng trong chương trình TV ở tiểu học và có tác động giáo dục tâm hồn rất sâu sắc cho HS. Tác động giáo dục tâm hồn sâu sắc của văn học trước hết thể hiện ở chỗ: Văn học bồi dưỡng và phát triển ở con người chất nhân văn. Chất nhân văn này không phải tự nhiên mà có, không phải một thứ lòng tốt ngây thơ mà là một sự hiểu biết tinh tế, hiểu người, biết mình. Một tác phẩm văn học qua hư cấu đến tận bản chất của sự vật thì nó không chỉ dạy con người những phẩm chất tốt đẹp để hình thành nhân cách con người, mà còn dạy cho họ sự sáng tạo.

Những tác phẩm văn học chân chính đều phản ánh những khát vọng vươn tới “chân”, “thiện”, “” của loài người, những người sáng tác ra tác phẩm ấy là những nhà văn chứa đựng một tấm lòng nhân đạo cao cả, sự độ lượng, vị tha và giàu lòng trắc ẩn, đau nỗi đau của nhân sinh quan. Chính vì thế,mà mục đích dạy văn ở mọi nhà trường, tuy khác nhau do đòi hỏi của mỗi thời kì lịch sử, vẫn có những nét chung là tìm tòi những giá trị tinh thần vĩnh hằng, tình thương đồng loại, lòng thủy chung, lòng tốt, hướng tới cái đẹp, đạo đức trong sáng.

Thực tế giảng dạy ở nhà trường hiện nay, không chỉ môn văn mà các môn nhạc, họa … cũng dạy các em lòng nhân ái, tình thương yêu, lòng tốt. Nhưng cái đặc biệt của văn học so sánh với các môn học này và cả với các loại hình nghệ thuật khác (điêu khắc, sân khấu, điện ảnh …) là ở chỗ: Văn học dạy con người nhận thức mình và mở ra một thế giới về tâm hồn trong sáng và sự tinh tế điển hình của loài người. Đây cũng là cơ sở làm giàu có, phong phú tâm hồn con người, cũng chính là động cơ nảy sinh nhu cầu con người tìm hiểu bản thân mình, tự nhận thức mình.

Văn học còn dạy con người biết yêu cuộc sống, biết tận hưởng cuộc sống và biết sống. Nhờ văn học, trẻ em được sống bằng cuộc sống của nhiều thế hệ, nhiều lớp người, nhiều tâm trạng. Các em sẽ quan tâm hơn tới con người, có nhiều khả năng đánh giá con người, tế nhị nhạy cảm trong giao tiếp. Qua đó các em sẽ nhận thức và điều chỉnh hành vi đạo đức về bản thân, tạo nên sự hấp dẫn của vẻ đẹp đạo đức.

Với một vị trí như thế, môn học như thế trẻ em phải được học từ khi các em còn rất nhỏ với những vật liệu từ đơn giản đến phức tạp phù hợp với tâm lí lứa tuổi. Các em sẽ không thể phát triển tự nhiên, có nhân cách hài hòa nếu trong đời sống của mình không có những quyển sách, những truyện kể văn học. Đặc biệt, là tuổi ấu thơ của các em nếu như không biết đến những truyện cổ tích, thần thoại, những lời ru, câu hát của mẹ, của bà.