CẢM HỨNG TƯ TƯỞNG TRONG TRUYỆN VIẾT CHO THIẾU NHI CỦA PHẠM HỔ

Sáng tác văn học thuộc lĩnh vực sản xuất tinh thần và mỗi tác phẩm được xem là đứa con tinh thần của người cầm bút. Mỗi tác phẩm ra đời đều bắt nguồn từ một cảm xúc, tình cảm và tư duy nghệ thuật nhất định. Chúng tôi gọi trạng thái cảm xúc, tâm lí, tình cảm làm nảy nở tư duy nghệ thuật sáng tạo của nhà văn là cảm hứng. Cảm hứng ấy không chỉ chi phối quá trình sáng tác của nhà văn mà còn ảnh hưởng lớn đến các lớp nội dung của tác phẩm. Có thể thấy, niềm say mê với thiên nhiên cây cỏ và tình yêu dành cho thiếu nhi là nguồn cảm hứng quan trọng trong truyện của Phạm Hổ. Chính Phạm Hổ cũng có lần thổ lộ rất chân thành về nguồn cảm hứng sáng tác của mình: “Cách đây khoảng 40 năm, cây rừng Trường Sơn đã làm tôi ngẩn ngơ. Có những cây to nhìn đến phát ngợp… Lại có những cây bé tí teo như cây rêu mà cũng có đủ rễ, đủ ngọn… Cây đứng, cây bò, cây leo, cây cuộn… Và không biết bao nhiêu hoa rừng, quả rừng, màu sắc lạ, hình dáng không ngờ… Cây rừng gợi nhớ đến vườn… Thích quá, yêu quá, tôi rất muốn viết về cây, về hoa và quả” [34, tr.2].

Tuy nhiên, cảm hứng của nhà văn không phải là những tình cảm nhợt nhạt, những cảm xúc bằng phẳng mà đó phải là sự xúc cảm mãnh liệt, một tình cảm mạnh mẽ mang tư tưởng, là cảm hứng tư tưởng. Trong truyện của Phạm Hổ, cảm hứng tư tưởng thể hiện rõ qua cách nhà văn lí giải thế giới bằng cái nhìn của người yêu trẻ.