Có nên bổ sung vitamin D cho bé bú mẹ hay không?

Vitamin D là gì?

Vitamin D là một vitamin tan trong chất béo được tổng hợp ở da và có thể hấp thụ được từ thực phẩm. Mức vitamin D bình thường trong máu người lớn được xác định là 50nmol/l, tuy nhiên một mức độ chuẩn cho trẻ sơ sinh vẫn chưa được xác định.

Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, sống trong các vùng ít tiếp xúc ánh nắng mặt trời, có hàm lượng vitamin D trong máu rất thấp và dễ bị còi xương. Mức <27,5nmol/l ở trẻ sơ sinh được coi là thiếu vitamin D và sẽ khiến bé bị còi xương. Ngược lại, trẻ sơ sinh bú sữa mẹ trong vùng nhiệt đới đầy nắng ấm như Việt Nam sẽ có đủ lượng vitamin D cần thiết cho trẻ trước 6 tháng tuổi.

Chuẩn đề nghị của Học viện Nhi khoa Mỹ AAP dùng 400 IU vitamin D mỗi ngày cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, chỉ áp dụng cho Bắc Mỹ, không phải là chuẩn cho trẻ em trên toàn thế giới, và đặc biệt không áp dụng cho trẻ em miền nhiệt đới như Việt Nam, vì nhu cầu vitamin D phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa.

Qua một kết quả nghiên cứu ở Trung Quốc, trẻ sơ sinh bú sữa mẹ được phân ngẫu nhiên vào các nhóm được bổ sung 100,200 hoặc 400 IU vitamin D mỗi ngày. Kết quả các liều khác nhau của vitamin D không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của các trẻ được sinh ra ở vĩ độ giống nhau, mà chỉ có khác biệt đáng kể, giữa nhóm trẻ sống ở miền Bắc so với nhóm trẻ ở miền Nam Trung Quốc: Các bé trong nhóm đối tượng nghiên cứu ở miền Bắc Trung Quốc đều tăng chiều cao tốt hơn không phụ thuộc vào mức độ

Vitamin D bo sung là 100 hay 200 hay 400, cũng không phụ thuộc vào mùa. Kết luận được đưa ra là, các yếu tố khác (gene, môi trường…) ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của các bé trong 2 vùng này, chứ không phải phụ thuộc vào hàm lượng vitamin D được bổ sung.

2. Nếu cơ thể có khả năng tạo vitamin D, vì sao có nhóm người thuộc nguy cơ thiếu vitamin D cao?

Nhân loại được sinh ra với các đặc điểm sinh học phù hợp với điều kiện sống của mình. Trong đó, đặc điểm màu da thích ứng với khả năng tự tạo đủ vitamin D trong điều kiện địa lý khí hậu tương ứng. Vùng càng nắng nóng, màu da càng sậm, ví dụ người châu Phi da đen, người châu Á da vàng, người Bắc Âu/Bắc Á, Bắc Mỹ da trắng… Loài người phát triển tốt trong điều kiện sống như thế.

Tuy nhiên, khi người da đen và người da màu di cư lên phía Bắc và người da trắng tiến về phía Nam, đặc điểm sinh học liên quan đến màu da và khả năng hấp thụ nắng trời không còn phù hợp với môi trường địa lý, khiến những người di cư này thuộc nhóm nguy cơ cao. Từ đó, bệnh xương cong/chân vòng kiềng phổ biến ở cộng đồng da đen và da màu di dân về phía Bắc (Bắc Mỹ, Bắc Âu) và bệnh ung thư da phổ biến ở Úc khi người da trắng di dân sống ở vùng quá nhiều nắng.

Ngoài ra, con người thay đổi cách sống, tập tục, văn hóa, tôn giáo và môi trường làm việc sinh hoạt thiếu khí và nắng trời, nên có thể ngay cả ở vùng nắng ấm, cũng không tiếp xúc nắng đủ để tạo lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể.

Sự gia tăng các loại bệnh do thiếu vitamin D thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu, do đó vitamin D được chú ý và nghiên cứu từ giữa thế kỷ 19.

Vậy nên các bố mẹ cần xem xét:

– Có nên áp dụng cách thức của người này cho người khác, nước này với nước khác?

– Người Việt vẫn sống ở đất Việt Nam, một vùng khí hậu nhiệt đới điển hình, số giờ nắng hàng năm luôn cao thì có ở nhóm nguy cơ cao không?

– Trang phục che hết nắng khi ra đường của các mẹ, khiến ánh nắng không thể tiếp xúc lên da mẹ, làm giảm lượng vitamin D hấp thụ qua da để vào sữa mẹ, có tốt khi đang nuôi con bú mẹ không?

– Thay vì cho con uống bổ sung vitamin D, có thể thay đổi cách sinh hoạt, dinh dưỡng của mẹ không? Đã cho con tắm nắng hàng ngày chưa?